Sự biến đổi trong ngành bán lẻ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020

Bản tin nhân sự | 01.07.2020

Sự biến đổi trong ngành bán lẻ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020

Truyền thông và các chuyên gia nhận định rằng “cuộc cạnh tranh trong ngành bán lẻ Việt Nam trở nên sôi động và khốc liệt hơn bao giờ hết.” Chính vì thế, chủ đề cạnh tranh chiếm đến 1/4 lượng thông tin về ngành bán lẻ.

Do thực hiện quy định giãn cách xã hội để phòng chống dịch nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm so với cùng kỳ năm ngoái, riêng bán lẻ vẫn duy trì sức mua tăng trưởng ổn định.

Cuộc chạy đua không hồi kết

Hơn 20% thông tin trên truyền thông phân tích về cuộc chạy đua của nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để đấu giá cho Big C như Aeon (Nhật Bản), TCC Holding (Thái Lan), Central Group (Thái Lan), Masan Group hay Saigon Co.op.

Top 10 doanh nghiệp được truyền thông quan tâm nhất trong ngành bán lẻ gồm Big C Việt Nam, Saigon Co.op, Metro Vietnam, Aeon, Berli Jucker Public Company Limited, Vinmart, Lotte Mart, Thế Giới Di Động, FPT Digital và công ty Cổ phần Dịch vụ đầu tư Hoàng Huy.

Họ đang chạy đua để phát triển mạng lưới, mở rộng thị phần và đáp ứng người tiêu dùng theo chiến lược sản phẩm riêng biệt. Hầu hết những doanh nghiệp bán lẻ này nhận được thiện cảm từ truyền thông với từ 30-60% là thông tin tích cực.

Chuỗi siêu thị Vinmart được gần 60% đánh giá tích cực nhờ sự am hiểu thị trường địa phương, ưu tiên hàng nội và tạo điều kiện cho nhà sản xuất trong nước.

Aeon được truyền thông ca ngợi (50% thông tin tích cực) do dịch vụ văn minh và sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt.

Thế giới Di động có thị phần bán lẻ trực tuyến lớn đồng thời với sự phát triển mạnh mẽ của Điện máy Xanh với hơn 100 siêu thị, doanh thu mỗi tháng là 1,000 tỷ đồng và chuỗi siêu thị mini Bách hóa Xanh.

Cách đây 3 năm, Thế giới Di động chưa bao giờ lọt vào top được truyền thông chú ý nhưng hiện nay lượng thông tin về công ty này chiếm áp đảo trên truyền thông, chiếm tới 1/20 tổng số thông tin ngành bán lẻ.

Chỉ có một số ít thông tin tiêu cực về ngành bán lẻ (dưới 10%) xuất phát từ sự bất đồng trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp bán lẻ với các nhà cung cấp do mức chiết khấu cao, vấn đề thuế hay vị thế của một số doanh nghiệp trên thị trường đang bị ảnh hưởng.

Doanh thu ngành bán lẻ duy trì tăng trưởng ổn định 

Theo thống kê, lĩnh vực thương mại nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3-2020 ước tính đạt khoảng 94.619 tỷ đồng (giảm 9,9% so với tháng trước và giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2019) trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt khoảng 64.574 tỷ đồng (giảm 1,4% so với tháng trước, nhưng tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019). 

Lũy kế 6 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 316.909 tỷ đồng, giảm 1,7% (cùng kỳ tăng 12,9%); trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 201.623 tỷ đồng, chiếm 63,6% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 13,5%). Lương thực, thực phẩm chiếm 17,6% trong doanh thu bán lẻ, tăng 13%; may mặc chiếm 6,5%, tăng 6,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình chiếm 19%, tăng 7,6%; xăng dầu chiếm 8,2%, tăng 4,6%. 

Trong khi đó tình hình doanh thu các ngành dịch vụ khác như dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ lữ hành và dịch vụ khác có xu hướng giảm. Ngành bán lẻ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng (1 tháng tăng 13,2%, 2 tháng tăng 9,6% và 3 tháng ước tăng 8%) cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả khu vực dịch vụ (1 tháng tăng 11,2%, 2 tháng tăng 5,9% và 3 tháng ước giảm 1,7%). Qua đó, góp phần ổn định kinh tế và đóng góp vào xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng khu vực dịch vụ. 

Sở Công thương cho rằng góp phần vào việc duy trì mức tăng trưởng của ngành bán lẻ trong 2 quý đầu năm 2020 có 3 yếu tố:

  • Một là, xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến khó lường, theo đó người dân điều tiết cơ cấu chi tiêu theo hướng tập trung vào mua sắm hàng hóa thiết yếu, giảm mua sắm qua chợ, trung tâm thương mại và tăng chi tiêu qua hệ thống siêu thị và mua sắm trực tuyến. Sau cách ly xã hội, nhu cầu cho hoạt động mua sắm của người dân trở lại bình thường.

  •  Hai là, sự đáp ứng nhu cầu của người dân qua hệ thống phân phối rộng khắp với 238 chợ, 202 siêu thị , 49 trung tâm thương mại, 2.656 cửa hàng tiện lợi (tăng 12 cửa hàng so với cuối năm 2019).

  •  Cuối cùng là khả năng và cam kết đáp ứng đầy đủ nguồn hàng của doanh nghiệp trên địa bàn. 

Theo báo cáo của các doanh nghiệp ngành thực phẩm, bình ổn thị trường và hệ thống phân phối, nguồn nguyên liệu dự trữ đầy đủ đảm bảo duy trì sản xuất tối thiểu 3 tháng tới; nguồn cung hàng hóa dồi dào, đủ khả năng cung cấp liên tục và đầy đủ 2-3 tháng; sản lượng thực phẩm chế biến đảm bảo đủ cung ứng đến hết quý 3-2020. Nhiều doanh nghiệp có chính sách giảm giá 2%-3% hỗ trợ người dân trong và sau mùa dịch. Các doanh nghiệp cam kết không tăng giá, sẵn sàng cung ứng vượt 30%-50% kế hoạch thành phố giao, ưu tiên cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa, thậm chí dừng xuất khẩu nếu cần.